Đặc điểm tín dụng đối với kinh tế cá thể sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp của các yếu tố tự nhiên và xã hội nên đặc điểm tín dụng đối với kinh tế cá thể sản xuất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng của những tác nhân này
Nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm gần đây đã có những biến động sâu sắc, đặc biệt là ngành nông nghiệp cũng như đời sống của vùng nông thôn. Cùng với sự nỗ lực của cả nước, hệ thống ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn ngày nay. Năng lực tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhũng hộ sản xuất cá thể tại nông thôn ngày càng tăng. Các ngân hàng đã áp dụng những loại hình cấp tín dụng thích hợp với từng điều kiện đặc thù của vùng/nghề mà mình đang cung cấp. Nhìn chung, cá thể sản xuất nông nghiệp (kể cả nghề trồng rừng, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản) ngoài kinh tế trang trại có qui mô vừa, còn đại bộ phận loại hình kinh tế đặc trưng là kinh tế hộ. Hộ gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở mà ở đó diễn ra quá trình phân công tố chức lao động, chi phí cho sản xuất, tiêu thụ, thu nhập, phân phối và tiêu dùng.
Nhu cầu vay bị thay đổi theo thời vụ, theo vùng và tập quán sản xuất kinh doanh. Do yếu tố khí hậu, thời tiết, phong thổ của mỗi vùng khác nhau nên chí phí trồng/nuôi/đánh bắt ở những mùa khác nhau sẽ rất khác nhau hoặc ở khác vùng sẽ có sự chênh lệch về nhu cầu vốn cho sản xuất. Từ đây cho thấy các nhân viên thẩm định của ngân hàng phải có một sự hiểu biết nhất định về địa lý kinh tế cũng như kinh tế ngành tại địa bàn mình đang phục vụ.
Đối tượng cho vay thường tổng hợp do giới hạn khả năng hạch toán, theo dõi sản xuất kinh doanh của khách hàng. Hơn nữa, do qui mô sản xuất nhỏ nên ngân hàng cũng không thể đòi hỏi tách rời các đối tượng cho vay cụ thể. Ví dụ như cho vay thả cá trong chi phí chăm sóc có chi mua máy bom (để đảo nước) mà đây là nhu cầu trung dài hạn nhưng vẫn tính vào nhu cầu vay lần này. Bên cạnh đó, ngày nay với sự đổi mới về quản lý và áp dụng các kỹ thuật công nghệ mới vào nông nghiệp, các hộ nông dân không còn độc canh vì vậy đối tượng cho vay là những nhu cầu vốn cho tất cả loại hình sản xuất mà người đi vay thực hiện. Như một hộ nông dân vừa trồng lúa, vừa nuôi heo vừa trồng cây ăn trái.
Khả năng trả nợ được dựa trên tỷ lệ hàng hóa của các nông sản làm ra. Ngoài ra nguồn trả nợ còn có thu nhập góp vào của các thành viên trong hộ thu được từ ngoài các hoạt động nông nghiệp.
Xét trên tổng thể tín dụng đối với cá thể sản xuất nông nghiệp có qui mô nhỏ, số lượng đông lại mang tính thời vụ làm cho chi phí tổ chức cho vay của ngân hàng cao. Trong tổ chức cho vay ngân hàng thực hiện các phương thức cho vay gián tiếp hoặc phương thức cho vay bán trực tiếp để giảm chi phí và tăng nhanh thời gian thẩm định nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn của hộ cá thể.
Tín dụng nông nghiệp có rủi ro đặc thù cao vì đây là ngành chịu tác động trực tiếp của yếu tố thiên nhiên nhiều nhất.

Là ngành có được sự hỗ trợ lớn của Chính phủ thông qua các chính sách, chương trình, mục tiêu phất triển kinh tế. Và để hổ trợ cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, điều kiện, thời hạn vay. Riêng đối với cho vay hộ nông dân Nhà nước đã có các chính sách ưu đãi như sau:
Lãi suất cho vay đối với kinh tế cá thể sản xuất nông nghiệp
Đối với các Hộ ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các Hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ để các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, ngoài ra Nhà nước còn hỗ trợ lãi suất thông qua các chương trình, mục tiêu như cho vay giải quyết việc làm, chương trình nước sạch nông thôn, các chương trình đưa công nghệ sạch vào làm hàng xuất khẩu…
Vấn đề bảo đảm tiền vay
Cũng như các loại khách hàng khác, cho vay hộ nông dân cũng bao gồm cho vay có bảo đảm và không bảo đảm. Tuy nhiên, riêng đối với lãnh vực nông nghiệp và nông thôn. Nhà nước có các chính sách về bảo đảm riêng, bao gồm:
– Đối với các món vay nhỏ các ngân hàng và tổ chức tín dụng được phép cho vay không bảo đảm. Tuy nhiên, để làm căn cứ trong việc xét duyệt cho vay Hộ nông dân phải xuất trình cho ngân hàng các giấy tờ liên quan đến việc giao quyền sử dụng đất, mặc khác các ngân hàng được phép giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi cấp tín dụng.
– Các hộ nghèo được áp dụng hình thức cho vay bảo đảm bằng tín chấp.Theo qui định hiện hành các cá nhân và hộ gia đình nghèo được vay vốn ngân hàng dưới sự bảo lãnh bằng tín chấp của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội (Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đòan lao động Việt Nam, Đoàn Thanh Niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh Việt Nam).
Mức cho vay được bảo lãnh bằng tín chấp đối với các hộ nông dân nghèo là các khoản vay nhỏ và mức tối đa do Ngân hàng Nhà nước qui định trong từng thời kỳ.
Xử lý các khoản nợ có vấn đề khi gặp thiên tai
Chính sách ưu đãi trong cho vay hộ nông dân còn thể hiện trong những qui định về xử lý nợ có vấn đề. Sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro môi trường do đó người nông dân thường gặp khó khăn trong trả nợ khi bị thiên tai hay dịch bệnh. Cụ thể:
– Ngân hàng cho phép giãn nợ, hoặc gia hạn nợ trong trường hợp mất mùa, thất thu do những nguyên nhân bất khả kháng. Thời hạn gia hạn tối đa bằng một chu kỳ sản xuất kinh doanh và không quá một năm.
– Khuyến khích các khách hàng trả nợ gốc trước, trả lãi sau. Khách hàng tích cực trả nợ gốc sẽ được miễn giảm một phần lãi.
– Chính phủ chuyển vốn để cho vay khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, như chương trình khắc phục hậu quả cơn bảo số 5 (1997), cà phê rớt giá (2001), dịch cúm gia cầm (2006).