Cho vay tiểu thương – cho vay hộ kinh doanh cá thể
Cho vay hộ Kinh doanh cá thể hay còn là tiểu thương là lực lượng bán lẻ chủ yếu của nền kinh tế nước ta hiện nay. Họ có mặt ở khắp mọi nơi, đóng góp vai trò to lớn vào phân phối hàng hóa trong nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cả nước ta hiện nay có trên 3 triệu hộ kinh doanh cá thể, tạo ra 5,58 triệu chỗ làm cho người lao động, đóng góp trung bình xắp xỉ 18% GDP, thực hiện nộp Ngân sách 55% tổng thu từ khối doanh nghiệp dân doanh.
Cho vay tiểu thương đang là một thị trường tương đối tiềm năng mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hướng tới. Các ngân hàng như SCB, ACB, Sacombank, VietinBank,… đã phát triển đáng kể dư nợ cho vay đối với tiểu thương.
Khách hàng đi vay có thể là những cá nhân, hộ có các cửa hàng, sạp/quầy bán hàng tại một địa điểm nhất định
Mục đích cho vay: Dự trữ hàng hóa; Sửa chữa/trang trí mặt bằng; Chi phí sang nhượng sạp/quầy hàng; Bổ sung thiếu hụt vốn kinh doanh.

Các hình thức cho vay Hộ kinh doanh cá thể
Cho vay từng lần ngắn hạn
Thông thường đối tượng cho vay là nhu cầu dự trữ hàng hóa mang tính thời vụ như trữ hàng cho các dịp lễ, tết, mùa, vụ. Nguồn trả nợ chính gồm doanh thu bán hàng do giảm tồn kho khi qua thời vụ.
Để xác định khả năng trả nợ ngân hàng xác định nguồn trả lãi là lợi nhuận tích lũy từ kinh doanh, trả nợ gốc có nguồn trả nợ chính từ dòng tiện thu được từ bán hàng.
Giải ngân khi trả tiền mua dự trữ hàng và thường là tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của tiểu thương để khi cần chủ động rút tiền thanh toán.
Thời hạn cho vay theo nhu cầu thực tế của khách hàng nhưng không quá thời hạn tối đa mà ngân hàng qui định cho loại hình kinh doanh của khách hàng.
Kỳ hạn trả nợ phụ thuộc vào tính chất dòng tiền vào của khách hàng. Ngân hàng có thể thu nợ trực tiếp từ tài khoản cá nhân hoặc nộp tiền vào khi tới kỳ hạn.
Cho vay theo hạn mức tín dụng/hạn mức thấu chi
Được áp dụng đối với các khách hàng có qui mô kinh doanh vừa luân chuyển vốn nhanh và có tính ổn định (như bán ở các trung tâm thương mại, chợ đầu mối).
Đối tượng cho vay là một phần nhu cầu vốn lưu động mà chủ yếu là tồn kho hàng hóa và một phần chi phí sơ chế biến (nếu có).
Cho vay chi phí sửa chữa, trang chí mặt bằng/chuyển nhượng quầy hàng
Các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể khi tiến hành buôn bán tại các trung tâm thương mại họ phải đóng tiền quầy hàng/thuê quầy hàng và cần phải trang trí theo tính chất mặt hàng mà họ kinh doanh.
Đây là nhu cầu có liên quan tới tài sản cố định nên ngân hàng có thể tài trợ trung dài hạn. Thực chất là khách hàng thiếu hụt vốn tự có cho kinh doanh nên nguồn trả nợ là lợi nhuận ròng còn lại sau khi phân bổ cho các nhu cầu thiết yếu, thường xuyên.
Phương pháp trả nợ là trà góp hàng tháng hoặc hàng quí, lãi tính theo dư nợ thực tế đầu kỳ hạn. Kỹ thuật cho vay giống như cho vay từng lần nhưng với thời hạn dài do nguồn trả nợ có khác so với cho vay từng lần ngắn hạn.